Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước là thông tin pháp lý chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng công bố các văn bản pháp luật trên môi trường Internet. Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện chủ trương công khai, minh bạch hóa chính sách, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trang thông tin điện tử Công báo cung cấp thông tin về văn bản pháp luật cho mọi đối tượng có yêu cầu, đảm bảo văn bản pháp luật sau khi ban hành được công bố chính xác, kịp thời theo đúng quy định pháp luật và thường xuyên rà soát, cập nhật hiệu lực theo nội dung văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành; là một hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác ban hành, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Cơ quan chủ quản của Trang thông tin điện tử Công báo là Ủy ban nhân dân tỉnh. Cơ quan quản trị Trang thông tin điện tử Công báo là Trung tâm Phục vụ Hành chính công đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
Nội dung văn bản đăng tải trên Trang thông tin điện tử Công báo tỉnh Bình Phước bao gồm:
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 28 tháng 8 năm 1945, phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xác định sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước ta, trong đó có việc soạn thảo một bản Hiến pháp dân chủ, làm nền tảng pháp lý cho việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước để lãnh đạo nhân dân chống "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng "vận nước treo trên đầu sợi tóc", cùng một lúc phải tập trung sức lực chống lại ba thứ giặc, nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến việc xây dựng và củng cố bộ máy quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt trong đó có việc thành lập một tờ báo là tiếng nói, là sự phát ngôn chính thức cho mọi quyết định điều hành đất nước của một nhà nước có chủ quyền còn hết sức non trẻ - tờ Công báo của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tờ Công báo nước Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với bề dày lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trước khi đi vào lịch sử phát triển của Công báo cách mạng Việt Nam, để thấy được phần nào hoạt động của cơ quan Công báo dưới các chế độ chính trị do bọn thực dân, đế quốc dựng lên, cần điểm qua một số đặc điểm của Công báo chính quyền Sài Gòn trước ngày đất nước thống nhất (1975):
1. Thời kỳ Việt Nam dân quốc Công báo (1945 - 1950):
Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Nghị định " về việc bãi bỏ các sở thuộc phủ toàn quyền Đông Dương và sáp nhập các sở đó vào các Bộ trong Việt Nam – Nhân dân – Chính phủ". Sau đó một ngày, ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định về việc xuất bản tờ Công báo mới của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên, lấy tên là Việt Nam dân quốc Công báo.
Nghị định nêu rõ: " Kể từ ngày mồng 01 tháng 9 năm 1945, Việt Nam - Nhân dân - Chính phủ sẽ xuất bản tại Hà Nội một tờ Việt Nam dân quốc Công báo thay cho tờ Đông Dương quan báo.
Bộ Nội vụ sẽ trông nom việc ấn loát và phát hành báo đó cho các công sở ở khắp Bắc-bộ, Trung-bộ và Nam-bộ.
Tờ Việt Nam dân quốc Công báo sẽ phải đăng những đạo luật, sắc lệnh, hoặc sắc- lệnh-luật do Việt-Nam Nhân dân Chính phủ ban bố cùng các Nghị định do các ông Bộ trưởng, hoặc các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ, Trung bộ và Nam bộ ký, mà có tính cách cần công bố cho dân biết".
Theo quy định tại Nghị định này, Công báo có nhiệm vụ quan trọng là đăng tải toàn bộ các văn bản pháp luật. Kể từ đó Công báo đã trở thành công cụ chính thức của Nhà nước dùng để công bố các văn bản quy phạm pháp luật trong toàn quốc. Sự kiện này cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao vai trò của Công báo trong một chế độ dân chủ nhân dân. Sự ra đời của Việt Nam dân quốc Công báo có ý nghĩa lịch sử rất lớn, đây được coi là tờ báo chính thức của Chính phủ Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện cuối cùng tờ Công báo của chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền móng ban đầu cho một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
2. Thời kỳ Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1950-1975):
Tại cuộc họp từ ngày 08 tháng 7 năm 1950 đến ngày 10 tháng 7 năm 1950, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị việc đổi tên tờ Công báo. Ngày 10 tháng 7 năm 1950, tại chiến khu Việt Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 31/TTg đổi tên Tờ “Việt Nam dân quốc Công báo” thành “Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và giao cho Thủ tướng Chính phủ phụ trách việc xuất bản và phát hành.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, song Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không ngừng vươn lên, đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Công báo được chuyển tới tận tay các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đến các cơ quan, đoàn thể và các cán bộ, chiến sỹ trong cả nước. Công báo đăng những sắc lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị và nhiều văn bản quan trọng khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Chính phủ, góp phần hướng dẫn, động viên quân và dân ta thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi tới thành công.
Trong điều kiện cả nước tiến hành kháng chiến, Chính phủ sơ tán qua nhiều nơi, nhiều địa điểm bí mật, khó tránh khỏi việc thất tán văn bản, tài liệu gốc, trong đó có cả các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, việc duy trì hoạt động của Công báo không những đảm bảo kênh thông tin pháp luật từ Chính phủ và các cơ quan Trung ương tới địa phương không bị gián đoạn mà Công báo còn có vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ các tài liệu, văn bản pháp luật quốc gia, trong đó có nhiều tài liệu đã bị thất tán bản gốc trong chiến tranh. Nhờ có Công báo, người ta có thể tìm lại được một số các văn bản gốc đã bị thất tán lâu nay, giúp cho các thế hệ sau này có cơ sở tra cứu, tìm hiểu về lịch sử cách mạng của dân tộc và lịch sử hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua các văn bản quy phạm pháp luật mà Công báo đã đăng tải.
Hoạt động của Công báo nước ta thời kỳ này đã cho chúng ta thấy: mặc dù Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung sức chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước nhưng rất quan tâm tới các hoạt động nhằm xây dựng một nhà nước dân chủ kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân, đặt nền móng vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Vì thế có thể nói, Công báo là một tài liệu rất có giá trị về lịch sử, giúp việc nghiên cứu sự ra đời, phát triển và ngày càng trưởng thành của Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay.